Video giải cứu người đi xe máy mắc kẹt dưới gầm ô tô sau tai nạn. Nguồn: Sức khỏe và đời sống
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 4h54 sáng sớm ngày 25/6, tại khu vực gần cầu Trắng (quận Hà Đông, Hà Nội) đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông khiến 1 nam thanh niên lao vào phía sau xe ô tô chở khách và mắc kẹt dưới gầm xe, không thể tự thoát ra.
Người dân sau đó đã gọi cho lực lượng cấp cứu 115 tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đồng thời báo tin cho lực lượng chức năng theo số 114 (Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận Hà Đông) đến hiện trường.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp thuộc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hà Đông đã dùng các thiết bị chuyên dùng, phối hợp với 1 nhóm cứu hộ khác cùng người dân giải cứu nạn nhân và bàn giao cho lực lượng 115 đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Toàn bộ cuộc giải cứu và đưa nạn nhân bị mắc kẹt dưới gầm xe ô tô diễn ra trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ, nạn nhân được xác định bị thương và có biểu hiện không tỉnh táo (nghi do sử dụng rượu bia).
Ô tô con suýt tông thẳng vào xe đối diện
Ô tô con suýt tông thẳng vào xe đối diện. Nguồn: OFFB
Mới đây MXH xuất hiện đoạn clip được chia sẻ tình huống giao thông xảy ra tại tỉnh Nghệ An. Theo chia sẻ của anh Tuấn Anh, người chia sẻ, đoạn video do camera hành trình ghi lại vào khoảng 14h40 phút ngày 22/6 trên tuyến QL7 đoạn qua xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Khi chiếc xe có gắn camera hành trình đang di chuyển với tốc độ trên 70km/h trên tuyến đường trên thì bất ngờ, một chiếc xe con hiệu Mitsubishi Attrage màu trắng đi ngược chiều lấn hẳn sang làn đối diện.
Khi nhận thấy điều bất thường, tài xế xe có gắn camera hành trình đã có chút giật mình nhưng kịp đánh lái sang bên trái để tránh chiếc xe nói trên. Còn chiếc Attrage sau đó cũng đã trở lại làn đường của mình. May mắn cho cả hai khi đã không có bất cứ va chạm vào xảy ra.
Sau khi đăng tải, đoạn video đã nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận của cộng đồng lái xe. Đa số cho rằng, tài xế chiếc Mitsubishi Attrage đã bị buồn ngủ khi cầm lái trên đường, dẫn đến bị lạc tay lái mà không biết. Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm bởi nếu không kịp tránh, hai chiếc xe sẽ đấu đầu trực diện với tốc độ rất cao, khi đó hậu quả là rất nặng nề.
Xe đầu kéo vừa đi vừa rải cuộn thép xuống đường
Xe đầu kéo vừa đi vừa rải cuộn thép xuống đường. Nguồn: OFFB
Ngày 25/6, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng cho biết đơn vị vừa lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế xe đầu kéo chở cuộn thép đổ xuống mặt đường Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trước đó, trưa 21/6, xe đầu kéo BKS 43C-222.42 kéo theo rơ moóc BKS 43R – 026.26 chở cuộn thép lưu thông trên Quốc lộ 1A.
Khi đến Km 927+800 Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Đà Nẵng, cuộn thép trên rơ moóc bị đứt dây buộc, thép rơi xuống đường.
Nhận phản ánh, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng vào cuộc xác minh, mời tài xế N.C.L lên làm việc.
Làm việc với lực lượng chức năng, tài xế thừa nhận hành vi vi phạm.
Lực lượng CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế L về lỗi: vận chuyển hàng trên xe (thép cuộn) có chằng buộc nhưng không chắc chắn. Đồng thời, yêu cầu tài xế, chủ xe cam kết không tái phạm.
Mảnh vỡ tên lửa rơi xuống ngôi làng ở Trung Quốc
Mảnh vỡ tên lửa rơi xuống ngôi làng ở Trung Quốc. Nguồn: Weibo
Đoạn video xuất hiện trên mạng ngay sau khi tên lửa đẩy Trường Chinh 2C nổ tung lúc 3 giờ chiều ngày 22/6 (giờ địa phương) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc.
Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy một tiếng nổ lớn sau khi các mảnh vỡ rơi xuống đất. Một nhân chứng kể lại rằng đã tận mắt chứng kiến tên lửa rơi xuống. “Có mùi hăng và âm thanh của một vụ nổ”, người này nói.
Một giờ trước khi phóng, người dân được yêu cầu rời khỏi các tòa nhà lân cận và tản ra những khu vực thoáng đãng hơn để quan sát bầu trời. Theo thông báo của chính quyền, họ được cảnh báo tránh xa các mảnh vỡ để tránh tác hại từ “khí độc và vụ nổ”.
Thông báo cho biết người dân cũng bị nghiêm cấm chụp ảnh các mảnh vỡ hoặc lan truyền các video liên quan lên mạng. Không có báo cáo về thương tích ngay lập tức từ chính quyền địa phương.
Chuyên gia về tên lửa và cộng tác viên nghiên cứu cấp cao Markus Schiller tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết các mảnh vỡ dường như đến từ tên lửa đẩy giai đoạn đầu tiên của tên lửa Long March 2C, sử dụng chất đẩy lỏng bao gồm nitơ tetroxide và dimethylhydrazine không đối xứng (UDMH).
Tổng hợp Video Clip mới nhất trong ngày